"Chit Chat" Qua Net Trở Thành Gái Mại Dâm

Một cô gái 22 tuổi bị lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm. Bị "bạn chát" lừa bán sang bên kia biên giới, cô gái đầy nghị lực tìm được đường trốn về nhà; đi làm thuê để có tiền truy tìm những kẻ hại đời mình. Cô đã giăng bẫy để "lôi" những kẻ buôn người từ trong nhà đá ra bắt phải tiếp tục chịu tội trước pháp luật.

Vụ án này lại gióng thêm một hồi chuông về mặt trái của môi trường ảo.

Ngày 6/8/2008, Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Trần Văn Quyền và đồng bọn về hành vi mua bán phụ nữ. Phiên tòa gây sự chú ý, hiếu kỳ đặc biệt của dư luận bởi vì tính chất của nó. Cô gái bị lừa bán đã tìm đường thoát từ Trung Quốc về và quay lại "giăng bẫy" lôi những kẻ đã lừa mình ra chịu tội trước pháp luật. Trong khi đó, những kẻ phải ra trước vành móng ngựa đang phải thụ án những vụ án khác.

Câu chuyện bắt đầu từ 17 giờ ngày 9/3/2006, Đỗ Thị Hương ngồi chát tại quán Internet ở 39 phố Núi Trúc, Hà Nội. Hương sử dụng nick name khá "hot" là: "co_thuoc_lac_phe_pha_trang_tai_ma" (lấy tên khi chát là Trang). Để "lấy le" với những người "bạn mạng", Hương than một câu khá tâm trạng: "Hôm nay buồn và chán wa!!!".




Không cần phải đợi lâu, Trần Văn Quyền với nickname "thatlongxinloiem_1281" "nhảy" vào chát với Hương, than vãn rằng đang cô đơn và cần chia sẻ. Qua trao đổi trên mạng, Trần Văn Quyền biết Hương đang cần 180.000 đồng để giúp bạn trả tiền Internet. Quyền tỏ ra galăng, xin được đến nơi Hương đang ngồi chát để trả tiền giúp.

Hương đồng ý và chỉ chừng 20 phút sau, Quyền và một thanh niên tên là Được ăn vận khá lịch sự đi taxi đến quán Internet 39 Núi Trúc và đưa cho Hương 200 nghìn. Sau đó cả hai gọi taxi đưa Hương đến ngõ Thông Phong để trả tiền cho một bạn trai tên là Ngọc Anh.

Tối hôm đó, cả 3 đi chơi, ăn uống ở Gia Lâm, Hà Nội. Trong quá trình đi nghỉ ngơi, ăn uống và chát, Quyền luôn kể chuyện kinh doanh điện thoại di động của anh ta tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn và rủ Hương đi cùng. Không chút đắn đo, Hương nhận lời cùng đi với 2 gã thanh niên ngay trong đêm.

Cả 3 lên xe ôtô khách đi cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Trên đường đi, Trần Văn Quyền gọi điện thoại thông báo cho người mà Quyền bảo là "đối tác làm ăn" tên là Lả để chuẩn bị dẫn đường sang Trung Quốc.

Khi tới cửa khẩu Tân Thanh, Lả dẫn cả 3 người đi tắt theo đường mòn qua đồi sang Trung Quốc, khi qua biên giới khoảng 1km, một người tên Nhâm đã đi xe ôtô đến đón sẵn, đưa cả 4 về nhà ở Bằng Tường, Trung Quốc. Đến đây, Hương mới biết mình đã bị Trần Văn Quyền, Nguyễn Văn Được và Lương Viết Lả bán với giá 1.100 NDT (tương đương với 2.200.000 VNĐ). Bọn chúng chia chác khoản tiền bán "bạn chát": Lương Viết Lả được chia 300 NDT (khoảng 600.000 VNĐ); Nguyễn Văn Được nhận 500.000 VNĐ, trừ một số chi phí, số tiền còn lại Quyền đút túi.

Sa vào "tổ quỷ", hàng ngày Hương và những cô gái khác phải tiếp 20-30 khách. Thậm chí nếu bị khách kêu ca về "chất lượng phục vụ", các cô sẽ bị phạt không cho tắm hoặc bị trói và bỏ đói. Mỗi ngày, các cô chỉ được ăn ở mức... đủ để tiếp khách. Các cô bị nhốt trong những căn phòng có người canh chừng cẩn mật, không được nói chuyện hay giao tiếp với bất kỳ ai. Những tháng ngày sống trong "tổ quỷ" đối với các cô là những chuỗi ngày dài đau khổ.

Cùng nhiều cô gái khác, Hương bị bán đi bán lại qua nhiều động mại dâm. Cho đến tháng 12/2006, Hương gặp một cô gái trẻ quê ở Bắc Giang cũng bị lừa bán sang từ nhiều tháng trước. Sự đồng cảm về thân phận bất hạnh đã khiến hai cô bàn bạc tìm cách trốn về Việt Nam. Sau vài tháng làm gái bán hoa, Hương xin khách, giấu chủ được 300 NDT và bắt đầu tìm cách trốn. Bình thường các cô gái khi chạy trốn thường tìm đường tới biên giới Việt - Trung nên đều dễ dàng bị bọn chủ đón đường và bắt lại.

Do đã nghe kể có nhiều trường hợp như thế nên Hương tìm cách đi sâu vào trong lục địa Trung Quốc, sau đó nằm chờ một thời gian mới về Việt Nam qua cửa khẩu Đông Hưng, Quảng Ninh. Tại đây cô được cho tiền trở về đoàn tụ với gia đình.

Làm Osin để có tiền đi tìm kẻ đã lừa mình



Xuất hiện tại phòng xử án với tư cách là người bị hại, Đỗ Thị Hương đã vừa khóc vừa kể lại những tháng ngày cay đắng và tủi nhục ở xứ người. Câu chuyện của cô khiến nhiều người trong phòng xử án không cầm được nước mắt. Dường như thông cảm với nỗi đau của Hương, HĐXX không hỏi nhiều các tình tiết quá cụ thể mà chỉ tập trung vào việc kiểm chứng lời khai của các bị cáo trước phiên tòa.

Trong câu chuyện đẫm nước mắt của mình, Hương kể về những tháng ngày sau khi tìm đường về nước. Cô quyết đi tìm bằng được những kẻ đã hại cả cuộc đời cô, đưa chúng ra pháp luật, để không có thêm ai bị chúng lừa phải chịu cảnh tủi nhục như cô.

Ban đầu, Hương nhận làm người giúp việc cho một gia đình, mỗi tháng ngoài việc được ăn, ở Hương còn dư ra khoảng 300 đến 500 nghìn đồng. Số tiền này cô lại ném hết vào các quán Internet nhưng không phải là để chát chít để giết thời gian như trước đây mà là để lập một loạt các nick name đóng giả làm các cô gái cần "cứu nét" để tìm lại những kẻ đã lừa cô khi xưa.

Cứ như thế hơn nửa năm, ngày này qua ngày khác, cho đến một hôm, hy vọng của cô lại nhen nhóm khi trong vai một "nai tơ" cần "cứu nét" tên là Thủy, cô nói chuyện được với Trần Văn Quyền. Ngày 2/7/2007, cô đã gạ gẫm được gã trai buôn người khi xưa đến trả tiền Internet cho mình. Quyền tưởng gặp được con mồi ngon để tiếp tục bán sang Trung Quốc như những lần trước nên đồng ý ngay. Lần này, Trần Văn Quyền nhờ chị Lê Thị Ngọc Oanh cầm 300 nghìn đến trả tiền nét cho "con bò lạc".

Bất ngờ vì việc tên Quyền không xuất hiện nhưng Hương cũng xử lý tình huống khá nhanh bằng cách mời Oanh đi ăn bún cá ở phố Minh Khai. Khi đến trước trụ sở Công an phường Minh Khai, Hà Nội, Đỗ Thị Hương đã yêu cầu Oanh vào giải quyết. Ngay sau đó, tung tích của các đối tượng chính trong vụ án Trần Văn Quyền, Nguyễn Văn Được, Lương Viết Lả được Cơ quan Công an làm rõ.

Nạn nhân của hai gã này còn có khoảng 10 cô gái trẻ cùng với chiêu dụ dỗ như với Hương. Trong số đó có Nguyễn Thị Thảo, 22 tuổi, trú ở Hòa Bình. Sau khi "câu" được con mồi, vẫn chiêu bài cũ rủ Thảo đi Lạng Sơn mua điện thoại di động về bán. Thảo bị Quyền bán lấy 1.500 NDT. Số phận của Hương khá may mắn hơn những người khác bị Quyền lừa bán. Theo khai nhận của gã này, hiện có 4 nạn nhân khác không biết tung tích ở đâu.

Ngày 6/8/2008, 3 gã buôn người bị đưa ra xét xử tại Hà Nội với tội danh "mua bán phụ nữ". Trước khi hầu tòa lần này, ngày 21/11/2007 Trần Văn Quyền bị TAND tỉnh Hưng Yên xử phạt 5 năm tù tội "mua bán phụ nữ" và 10 năm tù tội "mua bán trẻ em". Bị cáo Lương Viết Lả cũng đang chịu án 22 năm tù tội "mua bán phụ nữ", "mua bán trẻ em" của TAND tỉnh Lạng Sơn và TAND tỉnh Bắc Giang.

Hãy cảnh giác với mặt trái trong cuộc sống ảo

Sau khi phiên tòa kết thúc, Đỗ Thị Hương bước nhanh ra khỏi phòng xử án, tránh ánh mắt của mọi người; rất nhiều người muốn hỏi chuyện nhưng cô im lặng ra về. Cô gái 22 tuổi này đến phiên xét xử một mình, không hề có người thân, bè bạn. Cuộc đời cô gái mới ngoài đôi mươi này coi như không thể lấy lại những tháng ngày tươi đẹp nhất. Bản thân môi trường ảo: Internet, chát, game không xấu nhưng có những kẻ xấu đang sống trong môi trường đó.




Internet, chát, game bên cạnh những mặt tích cực của nó trong đời sống xã hội thì cũng đang bộc lộ ngày càng nhiều điểm tiêu cực: những vụ lừa đảo, những trận thanh toán, ẩu đả, những cuộc hẹn hò thác loạn... Đấy là chưa kể những biến tướng về đạo đức, lối sống của giới trẻ đang hình thành mà các bậc làm cha làm mẹ khó có thể can thiệp, kiểm soát.

Đã có nhiều trường hợp các cô gái bị "bạn chát" lừa bán ra nước ngoài, ép trở thành gái mại dâm và câu chuyện này cũng không phải là mới. Nhưng vẫn mong đây sẽ lại thêm một bài học cho những bạn trẻ quá nhẹ dạ, đặt niềm tin một cách quá mù quáng vào môi trường ảo, cuộc sống ảo để rồi đón nhận những hậu quả đau lòng.
Tags:

About author

Curabitur at est vel odio aliquam fermentum in vel tortor. Aliquam eget laoreet metus. Quisque auctor dolor fermentum nisi imperdiet vel placerat purus convallis.