Hớt tóc ôm

Nếu như để bước chân vào tiệm hớt tóc thanh nữ, trong túi các ông khách ham vui phải dằn sẵn vài ba trăm nghìn, thậm chí cả triệu bạc thì vẫn với những “công đoạn ” như vậy, chỉ cần vài chục nghìn là có thể vào những tiệm cắt tóc ôm đang mọc lên như nấm tại các khu công nghiệp.



Tiệm hớt tóc không hớt tóc




Sau mấy ngày tàu xe vất vả từ Bắc vào chuẩn bị cưới vợ cho con, ông Bường quyết định đi cắt lại mái tóc, cạo bộ râu cho tinh tươm để sáng mai kịp gặp gỡ họ nhà gái. Mượn cậu con trai chiếc xe đạp, ông lạch cạch đạp ra ngoài đường nhựa. Chẳng phải tìm kiếm lâu, vừa ra khỏi hẻm ông đã gặp tấm biển đề “Cắt tóc Y.L - Cạo mặt, ngoáy tai, giác hơi, tẩm quất”.

Vừa gạt chân chống chiếc xe đạp, ông đã được cô thợ trong quán chạy ra đon đả: “Lâu lắm mới thấy anh ghé chơi”. Nghe cô gái bằng tuổi cháu ngoại mình anh em ngọt xớt, ông già 70 tuổi đâm hoảng. Vừa định quay ra thì cô gái đã nhanh nhẹn lôi tuột ông già vào quán, ấn xuống chiếc ghế loang lổ vết rách. Chưa kịp hoàn hồn, ông đã giật bắn mình vì tiếng “bốp” trên tay cô gái. Lôi chiếc khăn lạnh vừa đập, cô gái đưa lên lau mặt cho ông Bường.

Thấy cử chỉ lạ lùng, không giống kiểu cắt tóc quen thuộc ở quê, ông già xua tay rối rít: “Tôi. Tôi... chỉ cắt tóc thôi mà”. Biết là nhầm đối tượng, cô gái gắt lên: “Mệt quá! Ông biến đi cho tôi nhờ, thích bỏ mẹ lại còn giả bộ, vừa sáng ra đã xui xẻo”. Dứt lời, cô gái vơ vội tờ báo trên bàn, quẹt lửa huơ huơ trước cửa để xả xui.

Theo lời kể ấm ức của ông Bường, chúng tôi tìm đến khu vực ngã ba Ông Xã thuộc Tân Đông Hiệp - Dĩ An - Bình Dương. Chỉ có một đoạn đường ngắn chưa đầy 3 cây số mà có đến gần hai chục quán hớt tóc, quán nào cũng bố trí tuềnh toàng và đặc biệt là chỉ có một, hai cô thợ nữ. Chọn một quán có bóng mát của cây trứng cá, tôi tấp xe vào. Đang nằm ườn trên chiếc ghế cắt tóc cũ bẩn, cô thợ chừng 23 - 25 tuổi mặc bộ quần áo ngủ uể oải ngồi dậy.

Quăng chiếc mũ "híp hốp" lên bàn, tôi buông một câu cụt lủn: “Ngoáy tai!”. Hờ hững như thể không phải việc của mình, cô gái rê cây đèn săm soi tai tôi rồi phán: “Tai sạch mà!”. Thấy tôi có vẻ không hài lòng, cô gái ghé sát tai tôi thủ thỉ: “Em tẩm quất cho anh nhé”. Ra vẻ một gã trai đã quá quen những chốn thế này, tôi hất hàm: “Bao nhiêu?”. Mắt sáng rỡ, cô gái vanh vách đọc cho tôi giá của từng công đoạn. Theo “menu” cô ta cung cấp, ở đây không đi được từ A đến Z mà chỉ “vui vui” từ O đến S (ôm ấp, sờ sẫm) với giá từ 50.000 đến 70.000 đồng.

Lấy cớ đi làm “vệ sinh” trước khi hành sự, tôi đẩy cửa bước vào toilet. Suýt chút nữa tôi ói mửa khi nhìn thấy chiếc xô nhựa vất đầy khăn lạnh đã sử dụng bốc mùi tanh lợm. Kín đáo cài điện thoại ở chế độ nhắc việc, tôi bịt mũi bước ra ngoài. Đỡ tôi nằm dài lên chiếc ghế đệm nhớp nhúa nồng nặc mùi mồ hôi người, cô gái đưa tay kéo rẹt tấm riđô màu cháo lòng quây thành một góc. Bụi từ chiếc riđô xộc vào mũi khiến tôi ho sặc sụa. Không chút ngại ngùng, cô gái tốc ngược chiếc áo lên quá ngực. Vừa lúc đó điện thoại của tôi reo vang, màn hình sáng lên dòng chữ “họp cơ quan” tôi cài sẵn từ lúc trong toilet. Giả bộ phải đi giải quyết công việc gấp, tôi vội vàng ngồi dậy. Cô gái sa sầm mặt, gằn giọng: “Làm cho xong đã. Nằm lên đây rồi là phải trả tiền. Tập trung vào chuyên môn đi!”. Rút vội tờ 50.000, tôi giúi vào tay cô gái, hẹn khi khác sẽ quay lại “ủng hộ”.



Mở tiệm cho...người nghèo

Dường như những cô gái làm nghề massage ôm, bia ôm... đều thích lấy “nghệ danh” là tên các loài hoa, mà toàn những loài hoa thanh bạch, kiêu sa như Hồng, Lan, Sen, Huệ... thậm chí Trinh Nữ dù nghề của các cô chẳng hề cao quý chút nào. Cô gái tôi gặp ở trên cũng vậy. Sau một, hai lần quay lại cà kê tán gẫu, tôi biết cô tên Sen. Chắc đó cũng chỉ là tên giả vì chẳng dại gì các cô chịu nói thật tên cúng cơm của mình. Sen kể trước đây cô từng làm công nhân may trong khu công nghiệp Tân Đông Hiệp. Mức lương 1,5 triệu đồng một tháng không đáp ứng nổi tính cách ham vui, “dày ăn mỏng làm” nên chỉ được hơn một tháng Sen bỏ việc.

Sống chung trong khu nhà trọ, Sen biết đám công nhân nam vẫn thường thậm thụt rủ nhau đi cắt tóc ôm ngoài khu ngã ba Ông Xã. Thấy kiểu cắt tóc không cần kéo, không cần tông-đơ lại kiếm tiền quá dễ, Sen vọt về Kiên Giang moi trộm đôi bông tai má giấu dưới bát hương rồi quay lại Dĩ An lập nghiệp. Mỗi ngày làm cho 5 - 6 khách, mỗi khách 50.000đ, một tháng Sen đã có cả chục triệu, bằng nửa năm trời quần quật ngồi may trong xưởng. Chính vì kiếm tiền quá dễ nên Sen rất “yêu nghề”. Không chỉ làm tại quán, nếu khách quen có nhu cầu “cắt tóc trên giường” cô cũng sẵn sàng đi nhà trọ.

Để mở một tiệm hớt tóc thế này không khó. Chỉ cần sắm hai chiếc ghế hớt tóc cũ, một chiếc để ngồi và một chiếc khách nằm với tấm riđô là có thể hành nghề được. Hỏi sao không mở hẳn tiệm máy lạnh như trên thành phố, Sen giải thích một cách khá từng trải: “Mở máy lạnh đầu tư lớn, dễ bị chính quyền nhòm ngó, trong khi ở đây chỉ cần kéo tấm riđô lại là xong. Khách vào đây toàn công nhân, lấy giá như ở thành phố ai dám vào. Mình phục vụ người nghèo phải... chơi theo kiểu người nghèo chớ!”.

Thời gian gần đây Công an huyện Dĩ An đã khám phá, bắt giữ nhiều vụ trộm cắp, cướp giật mà thủ phạm là những công nhân hư hỏng tại các khu công nghiệp. Một trong những động cơ khiến các đối tượng phạm tội là cần tiền để lao vào các tụ điểm tệ nạn xã hội như bia ôm, cà phê ôm, hớt tóc ôm. Về hình thức, hớt tóc ôm chính là một biến tướng của hớt tóc thanh nữ đã bị các cơ quan chức năng triệt phá quyết liệt trong thời gian qua.

Sự xuất hiện của loại tệ nạn này tại các khu công nghiệp cho thấy TNXH đang biến đổi liên tục, tìm mọi cách len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Để đẩy lùi tệ nạn này, ngoài sự cố gắng của các cơ quan chức năng, cần tuyên truyền giáo dục cho công nhân tại các khu công nghiệp ý thức phòng chống TNXH. Bên cạnh đó phải tạo những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho họ để TNXH không có đất hoành hành.


Tags:

About author

Curabitur at est vel odio aliquam fermentum in vel tortor. Aliquam eget laoreet metus. Quisque auctor dolor fermentum nisi imperdiet vel placerat purus convallis.